Phần đông người dân, nhất là khu vực phi chính thức (lao động tự do, người làm tại cơ sở kinh doanh…) vẫn chưa mặn mà với các loại hình bảo hiểm, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện. Làm sao để thu hút được sự quan tâm của người dân vào loại hình này là vấn đề được đặt ra.
Phần lớn người lao động khu vực phi chính thức chưa quan tâm tới bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: Quang Vinh.
Người dân thờ ơ
Dù đã kết thúc hợp đồng lao động ở công ty cũ, thế nhưng ông Nguyễn Văn Vĩnh (53 tuổi, quê Quảng Trị) vẫn chưa có ý định tham gia tiếp BHXH tự nguyện. Hiện tại ông Vĩnh đã xin vào làm cho một công ty bảo vệ tại chung cư Ehome S (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) với chế độ “gọn nhẹ” lương cứng hàng tháng và tiền trợ cấp thêm từ Ban quản lý chung cư này. “Tôi đọc báo, xem truyền hình thấy công nhân, người lao động mất việc phải làm đủ thứ thủ tục mới được giải quyết nhận BHXH một lần nên cũng chưa có ý định tham gia” - ông Vĩnh nói.
Trường hợp chị Lý Thị Thu Mai (31 tuổi, quê Bình Định), kể từ khi nghỉ việc tại trường mầm non quốc tế Cánh Thiên Thần (TP Thủ Đức, TPHCM) chị chuyển đến làm việc tại công ty 8A Education (quận Bình Thạnh), thế nhưng đến nay chị Mai cũng mới chỉ nhận bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ chứ chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện. Đây là 2 trong số rất nhiều trường hợp người lao động làm việc ở khu vực phi chính thức không mặn mà với BHXH tự nguyện.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Diệu - Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) quận Bình Tân, TPHCM, tại địa bàn quận Bình Tân hiện có hơn 25.000 doanh nghiệp (DN) và hơn 28.000 hộ kinh doanh, tập trung tại 3 khu công nghiệp lớn là Tân Tạo, Vĩnh Lộc, và Tân Bình (mở rộng). Tốc độ công nghiệp hóa nhanh đã thu hút lực lượng lao động đông đảo từ các tỉnh, thành về cư trú trên địa bàn quận. Tuy nhiên, theo bà Diệu, phần lớn lao động phi chính thức không muốn tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, theo khảo sát của Phòng LĐTBXH quận Bình Tân, phần lớn lao động khu vực này có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài; không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được đóng BHXH, bảo hiểm y tế, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác. Khi làm việc phi chính thức, người lao động không có sự bảo vệ về mặt pháp lý hoặc BHXH nên dễ tổn thương trước các rủi ro, biến động kinh tế.
Nêu nguyên nhân của tình trạng này, ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc BHXH TPHCM cho biết thêm, nhiều lao động lo ngại về vấn đề thời gian đóng BHXH kéo dài, sau khi đóng đủ năm còn phải chờ đến đủ tuổi để được nhận lương hưu. Theo đại diện BHXH TPHCM, đây chính là vướng mắc lớn cần tháo gỡ để thu hút sự quan tâm của người dân đối với BHXH.
Trong năm qua, số người tham gia BHXH bắt buộc mà BHXH TPHCM phát triển được khoảng 2,6 triệu người nhưng số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ khoảng 61.000 người, con số quá khiêm tốn so với tiềm năng rất lớn của đô thị hơn 13 triệu dân này. Tính đến tháng 5/2023, do ảnh hưởng của lạm phát và suy giảm kinh tế, số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ vào khoảng 31.000 người. “Đây là con số rất thấp so với kế hoạch, mục tiêu đã đề ra” - ông Hà đánh giá.
Giải pháp phải bền vững
Không chỉ tại TPHCM, nhiều địa phương trên cả nước cũng gặp khó khăn trong việc thu hút sự quan tâm của khu vực phi chính thức tham gia BHXH. Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, cho đến nay cả nước có tổng số gần 18 triệu lao động khu vực phi chính thức nhưng chỉ có 0,2% tham gia đóng bảo BHXH bắt buộc, trong khi chỉ có 1,9% đóng BHXH tự nguyện, còn lại hơn 97% không tham gia loại hình bảo hiểm nào.
Điều này đã gián tiếp dẫn đến những bất cập rất lớn trong công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người lao động nghèo.
Trước tình hình đó, ông Phạm Anh Thắng - Phó Chánh văn phòng Bộ LĐTBXH cho rằng, cần phải có giải pháp căn cơ hơn cho lao động khu vực phi chính thức. Theo ông Thắng, lực lượng lao động tự do hiện đang giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, vấn đề về giải quyết công ăn, việc làm và giảm nghèo bền vững. Hiến kế giải pháp, ông Thắng cho rằng, công tác quan trọng hàng đầu là nâng cao nhận thức của người lao động phi chính thức về BHXH tự nguyện. Song song đó, khuyến khích chủ sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động với người lao động. Nhất là, chủ sử dụng lao động phải giải thích và chế độ hợp đồng để người lao động ý thức được vị thế của mình khi tham gia đóng BHXH tại cơ sở, doanh nghiệp. Về lâu dài, giải pháp căn cơ là phải chú trọng đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ để người lao động có cái nhìn đầy đủ, toàn diện về quyền và lợi ích của mình khi tham gia vào thị trường lao động.
Nhấn mạnh về giải pháp, ông Trần Dũng Hà cho rằng, từng địa phương phải có sự quan tâm và đầu tư nguồn lực để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, để đạt được hiệu quả, các chính sách của DN, cách chi, thu nhập và nâng cao nhận thức người lao động cần phải có sự quan tâm từ cả cơ quan chính quyền, hệ thống DN và người lao động. Nếu cả 3 yếu tố này được kết hợp đồng bộ sẽ giúp số người tham gia BHXH tăng lên đáng kể.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, dự thảo sửa đổi Luật BHXH cần mở rộng diện bao phủ quyền lợi thai sản cho lao động khu vực BHXH tự nguyện, với mức trợ cấp đảm bảo đời sống cho đối tượng này giai đoạn sau sinh. Mục đích là tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện hiện nay.
Chủ đề: xã hội người dân bảo hiểm Vì sao tự nguyện không mặn mà