Trước đó, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng được chẩn đoán theo dõi tắc tá tràng sơ sinh, gần đây trẻ có biểu hiện ăn bú kém, nôn hoàn toàn sau bú, số lần nôn ngày càng tăng được gia đình cho nhập viện điều trị.
Kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng cho thấy dạ dày giãn chứa nhiều dịch, đoạn đầu tá tràng giãn đường kính 28mm, đoạn chuyển tiếp thuôn nhỏ… Các quai ruột non phía sau xẹp, chứa ít dịch và hơi.
Bác sĩ tiến hành thăm khám cho bệnh nhi.
Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị tắc tá tràng bẩm sinh và chỉ định chuyển phòng mổ cấp cứu điều trị tắc tá tràng cho trẻ. Tại phòng mổ, kíp phẫu thuật đặt Trocar quan sát thấy dạ dày giãn lớn, đoạn D1 tá tràng giãn lớn, D2 tá tràng xẹp, các quai ruột non phía sau xẹp nhiều.
Xác định được nguyên nhân gây bệnh kíp phẫu thuật đã tiến hành mở bờ tự do D1 tá tràng, kiểm tra thấy giữa D1 và D2 tá tràng tắc hoàn toàn, do màng ngăn, tiến hành nối tá – hỗng tràng cho bệnh nhi. Hiện tại sức khỏe bệnh nhi ổn định, đang được theo dõi tại Khoa Ngoại - Chuyên khoa bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện - Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, tắc tá tràng bẩm sinh là một bệnh lý tương đối hiếm gặp, tỷ lệ mắc 1/5.000 – 1/10.000 ở trẻ mới sinh. Tắc tá tràng bẩm sinh có nhiều nguyên nhân khác nhau như teo tá tràng, tụy nhẫn, dây chằng Ladd…
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhi.
Biểu hiện đặc trưng của bệnh này là trẻ bỏ bú, trướng bụng, nôn ói dịch màu xanh, không đi phân su. Tình trạng tắc tá tràng nếu không được phát hiện và phẫu thuật sớm dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc, hoại tử ruột, suy đa tạng rất cao, thậm chí gây tử vong.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, các sản phụ trong quá trình mang thai cần thực hiện đầy đủ các mốc siêu âm quan trọng và các xét nghiệm sàng lọc để phát hiện sớm các bất thường ở thai nhi nếu có. Từ đó có kế hoạch theo dõi, quản lý thai kỳ chặt chẽ và kịp thời xử trí các bất thường có thể gặp phải, đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.
Nam Anh