Mới đây, bài viết có nội dung "Vận động nữ, nam thanh niên không kết hôn muộn. Khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi" được đăng trên fanpage Thông tin Chính phủ đã thu hút lượt tương tác "khủng" khi nhận được hàng trăm nghìn lượt bình luận và chia sẻ.
Đây là gợi ý của lãnh đạo Bộ Y tế đưa ra trong hội thảo “Mức sinh thấp tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”… Khi Việt Nam đang phải đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng.
Là đầu tàu kinh tế, dân số đông nhưng mức sinh ở TP.HCM thuộc nhóm thấp nhất cả nước, có thời điểm mức sinh giảm xuống còn 1,2 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Giới trẻ ngày càng có xu hướng độc thân, "ngại" kết hôn (Ảnh minh họa)
Trước thực trạng giới trẻ ngại cưới, tức không muốn kết hôn, kết hôn muộn…và tâm lý "ngại" sinh con đang diễn ra ngày một nhiều, bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, việc vận động, khuyến khích nam nữ thanh niên kết hôn trước 30 tuổi là điều rất đúng đắn.
Theo ông Phương, hiện nay cả nước có 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao, 21 tỉnh có mức sinh thấp, 9 tỉnh mức sinh thay thế, thậm chí tỉnh có mức sinh thay thế hiện nay đang nguy cơ sẽ trở thành mức sinh thấp. Chính vì vậy việc khuyến khích nam, nữ nên kết hôn và có con trước 30 tuổi là điều hoàn toàn dễ hiểu. Ông cho rằng, việc này sẽ góp phần thành công chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, đảm bảo bền vững đất nước về quyền con người.
"Nhưng quan trọng hơn bao giờ hết để lấy vợ, chồng trước 30 tuổi có liên quan rất nhiều đến công tác hôn nhân. Để kiếm được người vợ, chồng ở độ tuổi này thì kinh tế, trải nghiệm và hành trang cần thiết cho chặng đường rất cần cho việc lấy nhau thời điểm này. Hậu quả của việc kết hôn muộn, cái tôi độc thân rất lớn, làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dân số", ông Phương nói.
Nhiều hệ lụy khi giới trẻ cứ mãi độc thân (Ảnh minh họa)
Chia sẻ thêm về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em cho hay, nam nữ kết hôn sau 30 tuổi có thể dẫn đến tình trạng cùng một lúc phải chịu nhiều gánh nặng khi chăm sóc bố mẹ già và con nhỏ. Lúc này, gánh nặng sẽ nhân lên gấp hai, ba lần.
"Thanh niên có nỗi sợ về việc phải dành thời gian chăm sóc con, phải nghỉ làm, mất cơ hội thăng tiến. Gánh nặng kinh tế trong việc nuôi dạy con theo mức sống sung túc như hiện nay, lo cho con đi học trường tốt thậm chí đi du học… cũng khiến nhiều người không dám đẻ nhiều. Chúng ta từng vận động đẻ ít, sinh đủ 2 con nhưng giờ có 'khuyến đẻ' thanh niên cũng không đẻ", GS Nguyễn Đình Cử nhận định.
Các chuyên gia dân số chỉ ra rằng, mức sinh thấp kéo dài để lại những hệ lụy rất lớn cho xã hội như gây ra tình trạng suy giảm quy môn dân số, tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động.
Đáng nói, chúng ta đang bước vào thời kỳ già hóa dân số nhanh. Dự tính khoảng 15 năm nữa, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già với rất nhiều vấn đề về an sinh xã hội đặt ra. Nếu như mức sinh xuống thấp sẽ càng đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, khiến chúng ta "trở tay không kịp".
Xã hội toàn người già thì lực lượng lao động giảm, đồng thời kéo theo nhiều người phải bỏ thời gian, công sức chăm sóc, nuôi dưỡng người nhà. Như vậy, xã hội thiếu lao động, tăng hệ thống an sinh, "thu ít mà chi nhiều".
Ngoài ra, mức sinh thấp làm gia tăng các dòng di cư do mức sinh thấp, lực lượng lao động thiếu hụt tác động đến các chính sách di cư làm tăng các dòng di cư, thu hút lao động nhập cư…
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, mức sinh của khu vực thành thị, toàn bộ các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ (trừ Bình Phước) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thực tế đều dưới mức sinh thay thế. Trong đó, có một số tỉnh, thành có mức sinh rất thấp là 1,48 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Tại TPHCM, có thời điểm mức sinh giảm xuống còn 1,2 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người, chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước. Điều này sẽ tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho cả nước.
Đáng chú ý, mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, như khu vực đồng bằng sông Cửu Long - nơi chiếm vai trò quan trọng trong việc sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh quốc gia về lương thực.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao (khoảng 7,7%), trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%.
-->> Vì sao giới trẻ “lười yêu, ngại cưới”?Thúy Ngà