Giải ngân đầu tư công ở TPHCM: Vướng đủ đường

05/10/2024 10:48

TP - Tại phiên họp về tình hình KT-XH 9 tháng tại TPHCM diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, đến hết quý III, chỉ số giải ngân đầu tư công của thành phố đạt rất thấp với khoảng 20% kế hoạch năm. Có rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng giải ngân đầu tư công chậm tiến độ.

 
Công trình xây dựng Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức sử dụng vốn đầu tư công cơ bản đã xây dựng xong phần thô nhưng gói thầu mua sắm trang thiết bị chưa được triển khai. Ảnh: Duy Anh

Đang rất khó khăn

Ông Phạm Tuấn Anh, Trưởng phòng Tổng hợp Quy hoạch, Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM lý giải, giải ngân đầu tư công tại TPHCM ở ngưỡng thấp là do nhiều nguyên nhân. Trong tổng số 249.000 tỷ đồng thành phố phải giải ngân trong kỳ trung hạn từ năm 2021 đến 2025 thì có 49% số vốn được giao ở giữa kỳ trung hạn. Với các địa phương khác, toàn bộ số vốn trong kỳ trung hạn được giao ngay từ đầu kỳ nhưng đối với TPHCM, tận cuối năm 2023, tức là sau khi có Nghị quyết 98, thành phố mới được cấp bổ sung thêm 107.000 tỷ đồng. “Đối với số vốn được giao từ đầu kỳ, cụ thể là 142.000 tỷ đồng thì mức giải ngân của thành phố đã đạt tiến độ. Nhưng với những dự án sử dụng số vốn 107.000 tỷ đồng, thì phần lớn đang trong quá trình triển khai thực hiện, chưa đến thời điểm giải ngân. Do đó, đến thời điểm này, tính chung thì mức giải ngân của TPHCM đạt tỷ lệ thấp”, ông Phạm Tuấn Anh nói.

Trong năm 2024, Luật Đất đai được ban hành có ảnh hưởng rất lớn đối với các dự án của thành phố. Trong số 79.000 tỷ cần giải ngân trong năm 2024 thì có khoảng 33.000 tỷ đồng là tiền giải phóng mặt bằng, chiếm 38%. Từ đầu năm 2024 thành phố đã lập các thủ tục, kế hoạch thực hiện cho việc giải ngân, theo dự kiến sẽ được giải ngân cho quý III năm 2024. Tuy nhiên, Luật Đất đai được điều chỉnh thời điểm có hiệu lực, thay vì từ ngày 1/1/2025 chuyển sang có hiệu lực ngày 1/8/2024. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến phần tiền dự kiến giải ngân cho giải phóng mặt bằng.

 
Ông Phạm Tuấn Anh, Trưởng phòng Tổng hợp Quy hoạch, Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM nêu nguyên nhân chậm giải ngân đầu tư công. Ảnh: Vân Sơn

Với những dự án thực hiện đến thời điểm giải phóng mặt bằng, kể cả những dự án đã xây dựng phương án thì thành phố phải dừng lại để xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư do đơn giá tính theo quy định mới tăng lên. Điều đó dẫn tới các dự án lớn như Rạch Xuyên Tâm, Bờ bắc Kênh Đôi phải điều chỉnh bổ sung vốn với 18.000 tỷ đồng chiếm 23% tổng số vốn cần giải ngân năm 2024 của thành phố.

Ngoài ra, còn nhiều dự án vướng mắc về thủ tục phải phối hợp với các bộ ngành Trung ương để giải quyết với tổng số vốn là 10.000 tỷ đồng chiếm 12,6% tổng số vốn giải ngân trong năm của thành phố. Một số dự án phải dừng lại để điều chỉnh trong bối cảnh điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Những dự án diện này có tổng số vốn khoảng 4.600 tỷ đồng (chiếm khoảng 6% tổng số vốn giải ngân).

Giai đoạn vừa qua, thay đổi về Luật Đấu thầu cũng thay đổi về mặt quy trình, thủ tục, điều kiện, hồ sơ đối với quá trình lựa chọn nhà thầu do đó nhiều đơn vị đã phải cập nhật lại để tiến hành tổ chức đấu thầu theo quy định mới. Các dự án bị ảnh hưởng bởi quy định này khoảng 9.400 tỷ đồng (chiếm 12% tổng số vốn phải giải ngân).

Một nguyên nhân nữa là thời gian qua thành phố có nhiều vụ việc liên quan đến thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử. Thực tế trên khiến các đơn vị có dự án liên quan cũng bị ảnh hưởng đến tâm lý, quy trình thủ tục đang triển khai, tác động nhất định đến việc giải ngân. Ngoài ra, tình hình thiếu cát san lấp, thiếu vật liệu xây dựng cho các công trình trọng điểm cũng làm chậm quá trình giải ngân…

Quyết tâm giải ngân ở mức cao nhất

Dù vậy tiến độ giải ngân rất thấp, song ông Phan Văn Mãi cho biết, UBND TPHCM không có ý định điều chỉnh chỉ tiêu giải ngân đầu tư công năm 2024. Thay vào đó, thành phố tập trung vào giải pháp để có thể giải ngân cao nhất mục tiêu 95% của tổng số vốn hơn 79.000 tỷ đồng được giao. “Đây là một trong những nhiệm vụ mà cả hệ thống chính trị phải tập trung toàn lực từ nay đến cuối năm để đạt kết quả cao nhất”, ông Mãi khẳng định. Ông cũng yêu cầu Văn phòng UBND thành phố tổng hợp và phân nhóm cùng các mốc thời gian hoàn thành để từng lãnh đạo UBND TPHCM triển khai thực hiện, đảm bảo hằng tuần, hằng tháng phải hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch, trong đó đặc biệt tập trung cao cho đầu tư công.

 
Ông Đặng Quốc Toàn, Chánh văn phòng UBND TPHCM cung cấp thông tin tại cuộc họp báo. Ảnh: Vân Sơn

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tiền Phong về việc chậm giải ngân đầu tư công, TPHCM xử lý như thế nào đối với những đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ, không dám làm? Ông Đặng Quốc Toàn, Chánh văn phòng UBND TPHCM nói: “Trong quá trình triển khai kế hoạch giải ngân đầu tư công, còn một số đơn vị, sở ngành chưa thực hiện đạt kế hoạch mong muốn. Trên thực tế, thành phố đã có phê bình… Tùy tính chất mức độ để có hình thức xử lý, chứ không đợi đến mức phải xử lý ở hình thức cao. Trong quá trình triển khai, lãnh đạo thành phố đã bố trí, sắp xếp nhân lực để thực hiện tốt hơn nữa công tác giải ngân đầu tư công trong thời gian tới”.

Ông Phạm Tuấn Anh cũng cho biết, thời gian tới Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND TPHCM thực hiện một loạt biện pháp thúc đẩy đầu tư công như xác định chi tiết những khó khăn vướng mắc và nhiệm vụ đối với từng dự án, từng sở ngành, tiến độ phải xử lý đối với từng việc, từng đơn vị. Lãnh đạo UBND TPHCM đã quán triệt đến từng đơn vị, quyết liệt phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các dự án lớn giúp cho quá trình triển khai thông suốt; rút ngắn 30% quy trình giải quyết thủ tục hành chính, chỉ đạo các trưởng ban quản lý, thủ trưởng các đơn vị bám sát từng gói thầu, dự án trình thành phố những vấn đề phát sinh tại hiện trường để kịp thời giải quyết, hỗ trợ giải ngân.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, thành phố đang trong giai đoạn hoàn chỉnh rà soát, chuyển đổi để lập quy hoạch chung mới theo hướng phù hợp với quy hoạch và sự phát triển của thành phố trong giai đoạn mới. Do đó, một số công trình, dự án cũng cần được rà soát để đảm bảo điều này. Thời gian qua thành phố cũng gặp phải một khó khăn chung là thiếu vật liệu cát. “Đây là vấn đề chung của cả miền Nam chứ không riêng TPHCM và làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân”, ông Trần Quang Lâm thông tin. Từ đó, ông Lâm cho rằng, thời gian tới cần tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án giao thông trọng điểm, kể cả các tuyến metro. Ngoài ra, song song với quy hoạch chung, thành phố cũng cần tập trung rà soát để điều chỉnh sớm quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu. “Sau khi quy hoạch chung được ban hành, năm sau sẽ triển khai một loạt dự án phù hợp với quy hoạch”, ông Lâm nói.

Về việc điều chỉnh quy hoạch ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công, ông Trương Anh Tuấn, Phó phòng Quy hoạch 2, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch, theo quy định tối đa là 6 tháng. Tuy nhiên, thời gian qua, thành phố đã đẩy nhanh tiến độ lên 3,5 tháng để điều chỉnh phân khu và điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 theo quy định.

Giải ngân đầu tư công ở TPHCM: Vướng đủ đường

Ông Nguyễn Văn Nên: Báo cáo Bí thư, Chủ tịch 'bất kể ngày đêm' nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Theo Nguồn tienphong.vn

Giải ngân đầu tư công ở TPHCM: Vướng đủ đường - Kinh Tế