Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam vừa có những giải thích về việc xe vi phạm tốc độ lên tới trên 2.000 lần/tháng ở Hà Nội mới bị phát hiện.
Sáng 13/4, trao đổi với VietNamNet về thực trạng xe vi phạm tốc độ, cá biệt có xe lên tới hơn 2.000 lần/tháng, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đây đều là những xe đã được Sở GTVT Hà Nội xử lý.
Giải thích thêm vì sao có số lần vi phạm lớn như vậy, ông Thống cho hay, thiết bị giám sát hành trình (GSHT) được đo bằng vệ tinh nên không thể chính xác như camera bắn tốc độ của lực lượng cảnh sát.
Thứ hai, theo quy định việc tổng hợp phân tích số liệu từ thiết bị GSHT sẽ được thực hiện trong một tháng. Với việc kéo dài thời gian như vậy, số lượt vi phạm sẽ tăng lên.
Trong tháng 1, Sở GTVT Hà Nội đã ra quyết định tước phù hiệu, biển hiệu của 819 phương tiện vi phạm tốc độ, trong đó nhiều phương tiện vi phạm tốc độ hàng trăm lần/tháng (Ảnh: Đình Hiếu)
Theo quy định, dữ liệu GSHT được lưu tại thiết bị gắn trên phương tiện và truyền về hệ thống của đơn vị kinh doanh vận tải. Sau đó, đơn vị này mới truyền về hệ thống của Cục Đường bộ Việt Nam.
Một chuyên viên Cục Đường bộ giải thích rõ, dữ liệu từ thiết bị được lắp đặt trên mỗi phương tiện như thế nào thì hệ thống của Cục ghi nhận như thế.
Việc tổng hợp phân tích dữ liệu vào cuối tháng là vì trong thời gian này, có những xe đi vào vùng mất sóng cần phải truyền lại dữ liệu. Do đó, để cuối tháng đơn vị tổng hợp truyền lại lên Cục.
"Tôi phải nhấn mạnh việc này không ảnh hưởng, không làm sai lệch con số và cũng không làm tăng số lần vi phạm. Số lần vi phạm ở đây chỉ là do hệ thống tổng hợp phân tích ra. Còn tại sao vi phạm nhiều như thế thì phải xác minh tại doanh nghiệp để xem quá trình hoạt động xe đi qua tuyến đường nào hoặc hoạt động của tài xế ra sao”, chuyên viên này đánh giá.
Ông Lương Duyên Thống cho biết thêm, việc truyền dữ liệu về máy chủ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải trước, sau đó mới chuyển tới Cục với mục đích doanh nghiệp theo dõi, nhắc nhở lái xe trước. Sau đó, Cục tổng hợp, phân tích, hàng tháng, Sở GTVT các địa phương sẽ trích xuất dữ liệu để làm việc với doanh nghiệp.
Ông Lương Duyên Thống (Ảnh:N. Huyền)
Doanh nghiệp được phép trao đổi trước khi đồng ý nhận quyết định xử phạt - thu hồi phù hiệu. Trở lại những xe vi phạm tốc độ tới hàng trăm, nghìn lần tại Hà Nội vừa qua, ông Thống cho rằng: “Sở đã thu hồi phù hiệu, nghĩa là đã có trao đổi giữa doanh nghiệp với Sở GTVT Hà Nội”.
Về mức độ xử phạt, theo ông Thống, căn cứ Nghị định số 10/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định sẽ thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị GSHT của mỗi phương tiện trong 1 tháng cho thấy có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000 km xe chạy.
Ông Thống cũng lưu ý, về mặt quản lý hành chính, đây là mức phạt cao nhất hiện nay- nghĩa là xe đó sẽ không được lưu thông trên đường mà không có hình phạt tiền bổ sung.
Cục Đường bộ chỉ là đơn vị lưu giữ số liệu chung, Sở GTVT các địa phương sẽ là đơn vị tiến hành thanh tra, xử phạt.
Cụ thể, Sở GTVT sẽ ban hành quyết định và thu hồi phù hiệu, biển hiệu do cơ quan mình cấp đối với đơn vị kinh doanh vận tải theo quy định. Sở sẽ gửi quyết định thu hồi cho đơn vị kinh doanh vận tải và phải đăng tải thông tin trên Trang thông tin điện tử của Sở.
Theo ông Thống, để khắc phục thời gian tổng hợp kéo dài, hiện Cục đang đề xuất nâng cấp hệ thống phần mềm để cảnh báo xe vi phạm tức thời (cảnh báo luôn tới doanh nghiệp) đồng thời tổng hợp thông tin cung cấp cho các Sở có thể theo ngày nhằm xử lý kịp thời vi phạm.
Như VietNamNet thông tin, Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn thông qua thiết bị GSHT.
Qua trích xuất dữ liệu từ Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Hà Nội đã phát hiện nhiều trường hợp phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT).
Chỉ riêng trong tháng 1, Sở này đã ra quyết định tước phù hiệu, biển hiệu của 819 phương tiện vi phạm tốc độ, trong đó có nhiều phương tiện vi phạm tốc độ hàng trăm lần/tháng.
Cá biệt xe hợp đồng mang BKS 29B-147.12 của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ du lịch Hòa Phát vi phạm tốc độ 2.040 lần trong tháng 1/2023.
Xe khách, kinh doanh vận tải hàng hóa, xe trung chuyển phải lắp thiết bị GSHT
Điều 12 NĐ số 10/2020 quy định: xe khách, ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị GSHT.
Thiết bị GSHT của ô tô phải tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt, hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông.
Thiết bị GSHT của xe ô tô phải bảo đảm tối thiểu các yêu cầu: Lưu trữ và truyền dẫn các thông tin gồm: Hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Bộ Giao thông vận tải (Cục Đường bộ Việt Nam).
Tại Khoản 6, Điều 12 NĐ cũng nêu rõ, đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe kinh doanh vận tải không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô.
Tại Khoản 10, Điều 22 quy định thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của mỗi phương tiện trong 1 tháng cho thấy có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1000 km xe chạy.
Xe hợp đồng chạy quá tốc độ 2.040 lần/tháng bị xử lý thế nào?
Trường hợp khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của mỗi phương tiện trong 1 tháng có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1000 km xe chạy sẽ bị thu hồi phù hiệu kinh doanh vận tải.
Hà Nội phát hiện xe hợp đồng chạy quá tốc độ hơn 2.000 lần/tháng
Qua trích xuất trên hệ thống dữ liệu của Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Hà Nội phát hiện 1 xe hợp đồng vi phạm tốc độ 2.040 lần, một số xe khác cũng chạy vượt tốc độ gần 1.000 lần trong tháng 1.
Bình luận