Yang Changqing đã leo núi Hoàng Sơn hàng chục lần trong tuần qua. Một lần leo lên đỉnh cao 1.864 m, Yang lấy điện thoại và bắt đầu hát trước camera. Lần khác, anh đi đến giữa một cây cầu đi bộ, và tập thể hình. Những nội dung này đều nhằm mục đích thu hút 400.000 người hâm mộ trên tài khoản Douyin của anh.
Nhưng đó là hai lần hiếm hoi, Yang thay đổi nội dung khi giới thiệu với du khách qua video về đỉnh Hoàng Sơn. Những lần khác, hầu hết anh chỉ lia máy đến các địa điểm nổi tiếng đang vắng vẻ để người xem có thể đi du lịch qua màn ảnh nhỏ.
Dãy núi nằm trong công viên cùng tên, là một thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh An Huy. Vào dịp nghỉ lễ 1/5 hàng năm, các địa điểm trong khuôn viên vườn quốc gia này luôn chật kín khách du lịch. Ngay cả vào năm 2020, trong những ngày đại dịch bùng phát trên khắp thế giới, số lượng khách đến đây vẫn không giảm. Các nhà quản lý công viên thậm chí phải đóng cửa vì quá tải, vượt quá 20.000 khách một ngày. Năm 2021, số lượng khách ghé thăm đạt 93% so với trước dịch.
Khung cảnh đông đúc của dịp nghỉ lễ 2021. Năm nay, các điểm du lịch lớn của Trung Quốc đều vắng vẻ. Video: SCMP
Nhưng năm nay, bức tranh đông đúc đó không tồn tại. Trung Quốc phải đối mặt với làn sóng Covid-19 mới, du lịch nội địa bị ảnh hưởng trầm trọng vì các giới hạn đi lại được thắt chặt trên toàn quốc.
Các hướng dẫn viên du lịch cũng phải thích nghi. Một số đổi nghề, số khác áp dụng các biện pháp mới để cải tiến công việc, chẳng hạn như phát các chuyến tham quan trên mạng. Công việc này được biết đến qua thuật ngữ "cloud tourism", nghĩa là du lịch đám mây - chuyển đổi hoạt động sang các nền tảng online.
Yang nói trong dịp nghỉ lễ lần này, anh chỉ thấy khoảng 50 du khách mỗi ngày đến công viên Hoàng Sơn, nhưng hàng nghìn người theo dõi các video của anh. Nhưng những buổi phát trực tiếp khiến Yang tốn nhiều công sức hơn dẫn tour trực tiếp: "Bạn phải làm những gì người xem muốn mọi lúc. Họ phải vui vẻ mình mới có thể kiếm được nhiều tiền".
"Khi dẫn tour, bạn đưa khách thăm thú công viên theo lịch trình nhất định. Nhưng khi phát trực tiếp, người xem yêu cầu bạn ở lại công viên cho đến khi họ thỏa mãn với khung cảnh", Yang nói.
Để chụp được cảnh bình minh trên núi, Yang bắt đầu leo từ 3h để đến nơi có vị trí đẹp ngắm mặt trời ló rạng. Đôi khi, anh phải đợi hàng giờ cho đến khi biển mây xuất hiện, một cảnh tượng nổi tiếng ở Hoàng Sơn đi vào thơ ca. Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp online, anh phải leo núi hàng ngày, thậm chí phải ở qua đêm.
Núi Hoàng Sơn là một trong những điểm đến hút khách ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Boris G/Flickr
Mệt mỏi là vậy, các hướng dẫn viên ở Trung Quốc không có nhiều lựa chọn. Xiaoxian là hướng dẫn viên ở vườn quốc gia Lư Sơn, tỉnh Giang Tây. Điểm tham quan này bị đóng cửa từ tháng ba, sau khi Giang Tây bị ảnh hưởng bởi một đợt bùng phát Covid-19 mới. "Không có khách du lịch, tất cả những gì tôi có thể làm là phát trực tiếp trong công viên", cô nói.
Yao Jungjie, một hướng dẫn khác ở Huizhou, một thị trấn gần Hoàng Sơn, cho biết công viên đưa ra các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh rất nghiêm ngặt khi dịch lây lan ở những thành phố lân cận. Hiện tại, du khách ghé thăm phải có xét nghiệm hai lần âm tính trong 72 giờ. Điều đó có nghĩa là để vào được tham quan, họ cần phải ở gần công viên ít nhất ba ngày. Yao cho biết rất ít du khách chấp nhận yêu cầu này, nên hầu như không ai ghé thăm. Và ít khách cũng đồng nghĩa với việc thu nhập bấp bênh.
Giới chức nhận thấy xu hướng của du khách và hỗ trợ hướng dẫn viên. Chính quyền thành phố Hoàng Sơn đã mở các lớp đào tạo phát trực tiếp, kết nối hướng dẫn viên với các ngành khác để tìm việc. Một số thành phố cũng thúc đẩy phương án "du lịch đám mây". Vào tháng ba, Thâm Quyến đã phát trực tuyến cho du khách khắp nơi xem cảnh hoa đỗ quyên nở. Ngắm hoa nở vào mùa xuân trên núi Wutong là hoạt động thường niên hút khách, nhưng năm nay mọi người chỉ có thể ngắm từ xa.
Tháng 4, lễ hội té nước nổi tiếng Xishuangbanna (gần giống lễ hội Songkran ở Thái Lan) tại thành phố Cảnh Hồng, tỉnh Vân Nam cũng được đưa lên mạng. Khu vực tự trị ở phía tây nam tỉnh Vân Nam cũng tổ chức lễ hội, 13 hướng dẫn viên tham gia phát trực tiếp để phục vụ khán giả. Một số khách nói rằng, các hoạt động trực tuyến này thậm chí còn vui và hấp dẫn hơn ghé thăm trực tiếp.
Nhưng các hướng dẫn viên không nghĩ vậy. Họ nói rằng, mọi người vẫn thích tận mắt chứng kiến, tham gia các trải nghiệm du lịch hơn. Yang mong muốn sớm có thể quay trở lại với công việc hướng dẫn ngoài đời thực, hơn là trong thế giới ảo như hiện nay. Anh tin rằng, đó cũng là mong muốn của toàn bộ những người làm trong ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn.
Anh Minh (Theo SCMP)