Sốt đất đẩy giá, người Việt phải lao động mất 120 năm mới mua được nhà?

31/10/2022 14:59
- Theo GS. Đặng Hùng Võ, trong cơn sốt đất hiện nay, nhiều người đã tính sơ bộ tỷ số giữa giá nhà ở trung bình trên tiền lương trung bình theo năm là 30, vậy phải lao động 120 năm mới mua được nhà.

Thu nhập 20 triệu đồng/tháng nhưng vẫn khó mua được nhà

Giá nhà, đất ở tăng cao so với thu nhập của người dân là điều mà ai cũng có thể nhận ra. Với những người trẻ với thu nhập trên dưới 10 triệu đồng, giấc mơ an cư sẽ rất khó để thực hiện.

Chị Nguyễn Thu Trang, đang sinh sống tại Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ, vợ chồng chị đều đang làm công việc văn phòng, mức thu nhập cũng chỉ vỏn vẹn 20 triệu đồng/tháng. Số tiền này còn phải lo chi phí sinh hoạt hàng ngày, thuê nhà, nuôi con nhỏ...

"Tôi đang thuê một căn chung cư nhỏ có 2 phòng ngủ, một phòng hai vợ chồng ở, phòng còn lại là mẹ chồng tôi từ quê ra để trông nom con nhỏ giúp, giá thuê là 4,7 triệu đồng/tháng. Chi phí sinh hoạt hàng ngày dù đã rất tiết kiệm nhưng mỗi tháng vẫn hết hơn 5 triệu đồng. Những khoản tiền trên đều là cố định, chưa kể tháng nào có hiếu hỷ sẽ tốn thêm", chị Trang liệt kê.

Cũng theo chị Trang, dù đã cố gắng tiết kiệm nhưng sau 5 năm kết hôn, gia đình chị chỉ dư ra khoảng 400 triệu đồng. Có tiền ít ỏi này trong tay, vợ chồng chị liều đi tìm chung cư ở xa trung tâm. Tuy nhiên, giá nhà đất, chung cư tăng cao khiến những cố gắng, ý chí của chị bị đổ sụp.

"Dù nhà ở vùng ven hiện nay cũng có giá trên từ 1,4 tỷ đến 1,7 tỷ đồng, số tiền này là quá lớn so với gia đình tôi", chị Trang tâm sự.

Sốt đất đẩy giá, người Việt phải lao động mất 120 năm mới mua được nhà?

Nguồn cung căn hộ chung cư có giá dưới 2 tỷ đồng đang vắng bóng tại thị trường 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với gia đình anh Nguyễn Hữu Tuấn (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Theo anh Tuấn, với mức thu nhập khoảng 25 triệu đồng/tháng của vợ chồng anh, sau 5 năm, gia đình anh tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, giá chung cư ở quanh khu vực này thấp nhất cũng khoảng trên 22 triệu đồng/m2, đồng nghĩa nếu muốn sở hữu căn hộ khoảng 70m2, người mua cũng phải chi trả trên 1,5 tỷ đồng.

"Vợ chồng tôi đang sống ở ven Hà Nội nên chi phí sinh hoạt cũng đỡ nặng. Tuy nhiên, để mua được nhà chúng tôi phải vay thêm gần 1 tỷ đồng. Với số tiền lãi vài ba năm đầu còn được ưu đãi thì chưa vất vả nhưng khi lãi thả nổi sẽ càng trở thành gánh nặng. Trong khi đó, nếu mua nhà ngay thời điểm này lại còn tiền làm nội thất đến hàng trăm triệu đồng. Việc sở hữu nhà ngày càng xa với chúng tôi", anh Tuấn nhẩm tính.

Sau sốt đất, phải lao động 120 năm mới mua được nhà

Phân tích về tình trạng sốt đất ở Việt Nam tại một diễn đàn mới diễn ra, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết, chu kỳ sốt đất tại Việt Nam là có thật. Sau mỗi lần sốt thì giá được tăng cao nhưng chưa bao giờ có hiện tượng vỡ "bong bóng" bất động sản.

Theo ông Võ, lần sốt đất tiếp theo sẽ làm giá tăng cao hơn và cùng lắm là thị trường đóng băng. Tình trạng này dẫn đến hệ lụy là nhóm những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp ngày càng khó khăn trong tìm mua nhà ở bằng đồng lương của mình.

Sốt đất đẩy giá, người Việt phải lao động mất 120 năm mới mua được nhà?

Sau mỗi cơn "sốt đất", giá nhà lại xa tầm tay người lao động (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Vị chuyên gia này chỉ ra, một chỉ số rất quan trọng của thị trường bất động sản là tỷ số giữa giá nhà ở trung bình trên tiền lương trung bình theo năm.

Cụ thể, tại các nước châu Âu, tỷ số này là từ 2 tới 4. Giả sử, mỗi lao động có thể tiết kiệm được 25% tiền lương, có nghĩa là sau 4 năm sẽ tiết kiệm được 1 năm lương. Vậy tỷ số nói trên là 2 thì sau 8 năm làm việc, người lao động có thể mua được nhà. Nếu tỷ số là 4 thì sau 16 năm lao động họ sẽ mua được nhà. Tại Thái Lan, tỷ số này là 7, tức là sau 28 năm làm việc sẽ mua được nhà.

Tại Việt Nam, trong cơn sốt giá 2007-2008, tỷ số này là 25, tức là phải lao động 100 năm mới mua được nhà. Trong cơn sốt đất hiện nay, nhiều người đã tính sơ bộ tỷ số này là 30, vậy phải lao động 120 năm mới mua được nhà. Trong khi đó, một nhóm nhỏ thì giàu lên khá nhanh từ kinh doanh nhà ở.

Tại báo cáo thị trường bất động sản TPHCM 9 tháng đầu năm nay, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu giảm tốc, chậm lại và trầm lắng, giao dịch nhà đất sụt giảm trên dưới 50% tùy theo dự án và khu vực.

Mặc dù vậy, theo HoREA, do tình trạng giá nhà tăng liên tục trong 5 năm gần đây, khiến giá nhà bình dân đã cao hơn khoảng 20 lần mức thu nhập trung bình của xã hội, nếu so sánh với giá nhà tại các nước công nghiệp phát triển thì cao gấp 6-7 lần mức thu nhập.

HoREA chỉ ra, giá nhà bình dân đã cao hơn khoảng 20 lần mức thu nhập trung bình của xã hội, khiến người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở đô thị, công nhân lao động và người nhập cư khó có cơ hội sở hữu nhà ở.

Do vậy, theo HoREA, người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở đô thị, công nhân lao động và người nhập cư khó có cơ hội sở hữu nhà ở. Minh chứng là từ năm 2019 đến nay xuất hiện dự án và căn hộ siêu sang với giá rao bán lên đến trên dưới 500 triệu đồng/m2, thậm chí 1 tỷ đồng/m2.

Theo Nguồn dantri.com.vn

Sốt đất đẩy giá, người Việt phải lao động mất 120 năm mới mua được nhà? - Bất Động Sản