Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, cả nước đang trong những ngày oi nóng cao điểm. Như tại Bắc bộ và Trung bộ (khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên) nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 50-65%.
Thạc sĩ, bác sĩ Phùng Thị Thơm - Khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, nhận định trong giai đoạn nắng nóng cao điểm, những bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính, đặc biệt là hen phế quản cần thận trọng khi sử dụng điều hòa làm mát, tránh gây khởi phát cơn hen, nguy hiểm đến tính mạng.
Sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ là một trong những tác nhân chính gây khởi phát cơn hen. Do đó, người bệnh không để nhiệt độ điều hòa quá chênh lệch với nhiệt độ môi trường, chỉ nên chênh khoảng 4-5°C. Người bệnh tránh để luồng gió điều hòa thổi thẳng vào nơi nằm ngủ. Nếu muốn ra khỏi phòng điều hòa, nên mở cửa phòng, đứng vài phút cho quen với môi trường xung quanh rồi mới ra bên ngoài.
Khi đi ngoài nắng về, nếu cơ thể ra nhiều mồ hôi bạn cần lau bớt mồ hôi, ngồi ở ngoài một lúc rồi mới vào phòng có điều hòa. Điều này nhằm tránh để cơ thể mất nước, hạ nhiệt quá nhanh, gây cảm lạnh. Bên cạnh đó, người bệnh cần hạn chế đi ra, đi vào giữa hai nơi có nhiệt độ chênh lệch nhiều lần.
Với người mắc hen phế quản, độ ẩm không khí là yếu tố cần giữ ổn định. Độ ẩm quá cao hoặc quá thấp đều có thể gây khởi phát bệnh hen. Độ ẩm trong phòng lý tưởng cho đường thở là từ 30-50%. Tuy nhiên, đôi khi việc sử dụng điều hòa có thể khiến độ ẩm thấp hơn mức này.
Để khắc phục, có thể đặt một chậu nước trong phòng khi bật điều hòa nhằm tăng độ ẩm. Ngoài ra, có thể sử dụng máy tạo độ ẩm, tuy nhiên, chỉ nên để mức ẩm nhẹ vì độ ẩm cao sẽ dễ gây viêm đường hô hấp.
Sử dụng điều hòa không đúng cách có thể khởi phát cơn hen. Nguồn: Pinterest
Các gia đình chú ý vệ sinh điều hòa định kỳ để tránh các tác nhân dị ứng gây khởi phát cơn hen. Các gia đình có thể thay đổi hoặc làm sạch bộ lọc không khí hàng tháng, tránh các loại nấm mốc, mầm bệnh lưu trú trong máy.
Nắng nóng cũng khiến nhiều gia đình có xu hướng đóng kín cửa, sử dụng điều hòa liên tục trong thời gian dài. Tuy nhiên, không khí lưu thông kém có thể làm tích tụ chất gây kích thích và dị ứng, không tốt cho bệnh nhân hen phế quản. Do đó, khi không bật điều hòa, gia đình nên tranh thủ mở cửa phòng cho không khí sạch ngoài trời vào nhà, làm loãng chất gây dị ứng, cải thiện chất lượng không khí.
Để ngăn ngừa các đợt cấp của hen phế quản, ngoài sử dụng điều hòa hợp lý, bệnh nhân cần sử dụng thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, duy trì thói quen uống nhiều nước, đặc biệt trong thời tiết nóng bức để tránh hiện tượng mất nước.
Bạn nên nhỏ mũi thường xuyên bằng dung dịch nước muối sinh lý để giữ độ ẩm cần thiết, tránh khô mũi; không ăn thực phẩm mà cơ thể dị ứng. Khi đi ngủ, nên đắp một tấm chăn mỏng, che kín vùng bụng, tránh lỗ chân lông giãn nở dễ dẫn tới bị cảm lạnh.
Bác sĩ Thơm khuyến cáo, người bệnh cần nhận biết triệu chứng trước khi xảy ra cơn hen cấp (như hắt hơi, ngứa mũi, ho, chảy nước mũi, cảm giác khó thở, tức nặng ngực, khò khè...) để kịp thời dùng thuốc và đến cơ sở y tế ngay để xử trí. Nếu chậm trễ phát hiện hoặc điều trị sai cách có thể dẫn đến giảm oxy máu, thiếu máu não, thậm chí tử vong.
Hoài Phạm