Nếu điều chỉnh viện phí theo mức lương cơ sở mới là 1,8 triệu đồng, tỷ lệ tăng bình quân của giá khám chữa bệnh là 5%.
Bộ Y tế vừa có văn bản phản hồi về ý kiến của các bộ, ngành, đối với lộ trình điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh.
Hiện viện phí được tính 2 trên 4 yếu tố gồm chi phí trực tiếp (như thuốc, vật tư, điện, nước, điều hòa, vệ sinh...) và tiền lương, chưa tính hai yếu tố gồm: "chi phí quản lý" và "chi phí khấu hao thiết bị".
Mức tác động với người dân có bảo hiểm y tế
Nếu tính yếu tố "chi phí quản lý" vào giá dịch vụ khám chữa bệnh, tỷ lệ tăng bình quân của giá dịch vụ khám chữa bệnh là 4%, chi quỹ BHYT tăng khoảng 2.180 tỷ đồng/năm.
Nếu tính cả chi phí tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng và chi phí quản lý vào giá thì giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ tăng bình quân 9%.
Về tác động của điều chỉnh viện phí theo mức tăng của lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng (từ 1/7) đối với các nhóm đối tượng có thẻ BHYT, Bộ Y tế cho biết: Với người tham gia BHYT là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội được BHYT thanh toán 100%, sẽ "không bị ảnh hưởng". Với các đối tượng phải đồng chi trả 20% hay 5%, khoản tăng thêm không nhiều, họ có khả năng chi trả vì thu nhập tăng theo lương cơ sở.
Thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: Hoàng Hà
Bộ Y tế cũng cho rằng nếu điều chỉnh tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng và tính chi phí quản lý vào giá khám chữa bệnh, quỹ BHYT vẫn đủ khả năng cân đối, điều này được khẳng định dựa trên so sánh chênh lệch thu chi của quỹ BHYT hằng năm (năm 2021 dư 14.368 tỷ đồng), lũy kế kết dư 50.300 tỷ đồng.
Đề xuất quý III/2024 tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế
Bộ Y tế dự kiến tháng 8 hoàn thành khảo sát và đề xuất phương án tính chi phí quản lý vào giá. Tuy nhiên, dự kiến tháng 12 mới hoàn thiện việc sắp xếp danh mục kỹ thuật và thực hiện khảo sát xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật theo danh mục kỹ thuật mới được ban hành.
Việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và phương án giá dịch vụ 3-6 tháng, cơ quan này dự kiến quý III/2024 hoàn thiện và đề xuất thực hiện giá khám chữa bệnh tính tiếp chi phí quản lý.
Cũng theo một đánh giá trước đó của Bộ Y tế, nếu tínhchi phí khấu hao trang thiết bị y tế, tài sản (yếu tố thứ 4), giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ tăng rất cao.
Cơ quan này lấy ví dụ tại cơ sở y tế tư nhân, giá dịch vụ khám chữa bệnh có tính chi phí khấu hao, riêng tiền khám bệnh bình quân là 200.000-300.000 đồng, tiền giường bệnh từ 1 đến 5 triệu đồng, gấp 5-10 lần giá của bệnh viện công.
Với mức điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh có tính đủ khấu hao trang thiết bị y tế và cơ sở vật chất, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sẽ cao gấp 2-3 lần giá hiện tại. Do vậy, chênh lệch thu chi của quỹ BHYT không thể cân đối trong khi chưa xác định được lộ trình điều chỉnh mức đóng BHYT.
Dự kiến lộ trình thay đổi giá dịch vụ khám chữa bệnh:
Thời gian | Nội dung thay đổi |
Tháng 7/2023 |
Ban hành Thông tư điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo mức lương cơ sở mới |
Tháng 7/2024 |
Đưa chi phí quản lý vào giá khám chữa bệnh |
Quý III/2025 |
Tính chi phí khấu hao vào giá |
Việc tính đúng, tính đủ giúp "giữ chân" cán bộ y tế trình độ cao
Chiều 11/7, tại cuộc làm việc với Bộ Y tế, một số bộ, ngành, địa phương về lộ trình thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc tính đúng, tính đủ cùng lộ trình thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế công lập tự chủ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo đảm chế độ, chính sách để "giữ chân" cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao...
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tính toán tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến người bệnh, nhất là nhóm chính sách, bảo trợ xã hội, hoàn cảnh khó khăn. Lộ trình tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh cần đặt trong mối quan hệ với chính sách xã hội hóa y tế, tự chủ bệnh viện, phát triển bảo hiểm y tế.
Võ Thu