Bỏ trăm tỷ đầu tư chứng khoán, nhưng nhiều doanh nghiệp ôm “trái đắng” khi giá trị cổ phiếu giảm còn cổ tức thì chưa thấy đâu.
Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý I/2023, Thép Tiến Lên (TLH) đang lỗ 55% khi đầu tư chứng khoán. Trong quý I/2023, doanh nghiệp này đầu tư chứng khoán vào một số mã như SHB, IJC,…
Trong đó, cổ phiếu SHB và IJC lỗ gần 50%. Còn các cổ phiếu khác sụt 58% so với giá gốc. Công ty cắt lỗ một phần ở cổ phiếu IJC và cổ phiếu khác. Tính tới 31/3, giá gốc đầu tư chứng khoán là 89 tỷ đồng. Giá trị cổ phiếu chỉ còn 40 tỷ đồng. Doanh nghiệp phải lập dự phòng 49 tỷ đồng.
CTCP Everpia (EVE) có khoản đầu tư chứng khoán lỗ 3,7 tỷ đồng. Tính tới 31/3, giá gốc đầu tư chứng khoán là 82,7 tỷ đồng. Trong khi giá trị thị trường của các khoản đầu tư chứng khoán còn 79 tỷ đồng. Cuối năm 2022, EVE có đầu tư khoản chứng khoán giá gốc 109 tỷ đồng và phải trích lập gần 18 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp thua lỗ đầu tư chứng khoán. (Ảnh: Anh Dũng)
Tương tự, CTCP Sách Giáo dục TP.HCM (SGD) đang lỗ hơn 50% đầu tư chứng khoán. Trong quý I, danh mục cổ phiếu mà SGD đầu tư có các mã như ECI, EBS, SD4,… Đáng chú ý, danh mục đầu tư còn có cổ phiếu FLC. Giá trị gốc là 2,2 tỷ đồng, trong khi giá trị hợp lý còn hơn 1 tỷ đồng.
Không chỉ các "tay ngang", mà các công ty trong ngành cũng lỗ khi đầu tư chứng khoán. Theo báo cáo tài chính quý I/2023, CTCP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (TVC) có khoản đầu tư chứng khoán vào các mã cổ phiếu như HPG, FPT, MWG, TDH,…
Giá trị đầu tư gốc là 1.301 tỷ đồng. Đến 31/3, giá trị đầu tư cổ phiếu chỉ còn 1.016 tỷ đồng. Như vậy, TVC đang lỗ 293 tỷ đồng.
Tin doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* REE: CTCP Cơ điện lạnh (REE) dự kiến phát hành hơn 53,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 100:15. Ngày đăng ký cuối cùng là 22/5.
* IDI: CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (IDI) vừa công bố bổ nhiệm ông Lê Văn Cảnh, Phó Tổng Giám đốc giữ vị trí Tổng Giám đốc. Thời hạn bổ nhiệm là 5 năm.
* MLG: Theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022, CTCP Tập đoàn Mai Linh ghi nhận doanh thu thuần tăng 55% so với năm 2021, đạt gần 1,647 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lỗ ròng gần 2 tỷ đồng.
* VGG: Tổng CTCP May Việt Tiến (VGG) thông báo chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2022 ngày 23/5. Tỷ lệ chia cổ tức 25%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 2.500 đồng.
* SSB: Ngân hàng Đông Nam Á – SeABank (SSB) thông qua việc triển khai phát hành 295,2 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2022 và hơn 118,2 triệu cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán riêng lẻ 94,6 triệu cổ phiếu.
* BCC: Theo BCTC quý I/2023, CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC), doanh thu giảm 28% so với cùng kỳ năm trước, đạt 848 tỷ đồng. Doanh nghiệp lỗ 47 tỷ đồng, đồng thời dự báo vẫn tiếp tục khó khăn trong thời gian tới.
Giao dịch cổ phiếu
* BCG: Ông Nguyễn Thế Tài, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) đăng ký bán ra 6 triệu cổ phiếu BCG với lý do thu xếp tài chính cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 15/5 đến hết 13/6, theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
* VGV: Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VGV) đăng ký bán 50.000 cổ phiếu VGV. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 12/5 đến ngày 9/6, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* DXG: Bà Đỗ Thị Thái, Phó Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) đăng ký bán hơn 173.000 cổ phiếu từ ngày 15/5 đến 13/6, theo phương thức khớp lệnh.
* DHC: Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Thành viên HĐQT CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC) đăng ký bán 900.000 cổ phiếu DHC từ ngày 15/5 đến 13/6, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* HNG: Bà Trần Thị Thảo Trâm, em của ông Trần Bảo Sơn – Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) mua vào hơn 127.000 cổ phiếu trong ngày 4/5, theo phương thức khớp lệnh.
* KPF: Ông Vũ Ngọc Hoàng, cổ đông lớn của CTCP Đầu tư tài sản Koji (KPF) đã bán toàn bộ hơn 3,82 triệu cổ phiếu trong ngày 9/5.
VN-Index
Chốt phiên 10/5, VN-Index tăng 3,76 điểm (+0,36%), lên 1.057,53 điểm.
HNX-Index tăng 1,85 điểm (+0,87%), lên 213,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 62,9 triệu đơn vị, giá trị 827,4 tỷ đồng.
UPCoM-Index tăng 0,33 điểm (+0,43%), lên 78,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,8 triệu đơn vị, giá trị 191,4 tỷ đồng.
Theo chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), áp lực chốt lời có phần suy yếu kết hợp với lực mua chủ động gia tăng đã giúp cho chỉ số VN-Index ghi nhận một phiên tăng điểm tích cực.
Trong kịch bản chỉ số chinh phục thành công ngưỡng cản quan trọng 1.055-1.058 điểm, VN-Index đang có nhiều cơ hội mở rộng đà hồi phục và hướng lên vùng kháng cự kế tiếp quanh 1.070 (+/-5) điểm.
'Gà Việt đẻ trứng vàng', đại gia Thái thu tỷ USD cổ tứcCác tập đoàn của Thái Lan thu về cả tỷ USD tiền cổ tức, trái ngược với tình cảnh buồn thảm của nhiều cổ đông nhỏ lẻ người Việt đầu tư vào một số ngân hàng và tập đoàn lớn.
Bình luận