GĐ Sở Xây dựng Quảng Ninh: Không để lợi ích nhóm chi phối quy hoạch biển

25/07/2022 13:41
- Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh, cho biết quy hoạch ven biển tỉnh này hạn chế xây nhà cao tầng sát biển; không để lợi ích nhóm chi phối đến định hướng quy hoạch...

 

Với tiềm năng vốn có, Quảng Ninh đang là địa phương vùng ven biển phát triển mạnh, trong đó có nhiều dự án, công trình sát biển, lấn biển quy mô lớn được triển khai.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển này cũng khiến nhiều người quan ngại, liệu câu chuyện phải "đi đòi lại mặt biển" cho người dân như nhiều tỉnh miền Trung đến một lúc nào đó sẽ lặp lại ở chính địa phương này?

Quy hoạch hạn chế phát triển nhà cao tầng sát mặt biển

Trao đổi với Dân trí về tầm nhìn quy hoạch ven biển tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh - cho biết, theo định hướng quy hoạch tỉnh Quảng Ninh (giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050), tỉnh này sẽ phát triển "một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực".

Trong đó, tâm là thành phố Hạ Long gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm. Hai tuyến là hành lang phía Đông và phía Tây với định hướng phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử (đối với Tuyến hành lang phía Tây từ Hạ Long đến Đông Triều) và phát triển chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sạch - công nghệ cao và kinh tế biển (đối với tuyến hành lang phía Đông từ Hạ Long đến Móng Cái).

GĐ Sở Xây dựng Quảng Ninh: Không để lợi ích nhóm chi phối quy hoạch biển

Khu đô thị Halong Marina của BIM Group có tổng diện tích 248 ha, nằm giữa Bãi Cháy - Tuần Châu (Hạ Long, Quảng Ninh) là dự án lấn biển (Ảnh: Ngọc Hiền).

Tỉnh Quảng Ninh chủ trương quy hoạch xây dựng các dự án, công trình ven biển, theo tuyến, điểm gắn với các thành phố, đô thị, khu kinh tế, khu vực phát triển đô thị, khu du lịch - dịch vụ... các khu chức năng từng đô thị; phải phù hợp với các lớp quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Quảng Ninh, quan điểm quy hoạch là ưu tiên dải ven biển và sát mặt biển cho việc khai thác tối đa các lợi thế tự nhiên cảnh quan, không gian của biển để phát triển dịch vụ, du lịch, sinh thái, không gian cộng đồng tiếp cận với biển như quảng trường, bãi tắm, cây xanh, công viên... Điều này giúpthu hút các nguồn lực đầu tư và tạo môi trường sống, việc làm cho người dân vùng ven biển trên nguyên tắc hạn chế phát triển nhà cao tầng sát mặt biển, phá vỡ cảnh quan môi trường biển và khu vực liền bờ; khai thác cảnh quan tầm nhìn từ công trình ra biển và tầm nhìn từ biển vào...; bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long... giá trị cảnh quan - môi trường biển.

GĐ Sở Xây dựng Quảng Ninh: Không để lợi ích nhóm chi phối quy hoạch biển

Khu đô thị Phương Đông (Vân Đồn, Quảng Ninh) giáp biển có quy mô lớn tại huyện Vân Đồn với diện tích 178 ha

(Ảnh: Ngọc Hiền).

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, tỉnh đã chỉ đạo, định hướng việc đầu tư xây dựng các dự án ven biển cần phải có nhìn tổng thể, phát triển bền vững... từ đó, làm sao vừa phát huy và khai thác lợi thế giá trị từ biển, thu hút các nguồn lực phát triển nhưng không ảnh hưởng đến môi trường biển, ứng phó biến đổi khí hậu và phải mang lợi đến cho người dân vùng ven biển.

Do đó, Quảng Ninh đã thường xuyên có nhiều chỉ đạo các địa phương rà soát lại các dự án ven biển theo tuyến như: Rà soát các quỹ đất hai bên: Tuyến đường cao tốc Quảng Yên - Móng Cái, tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, tuyến đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều…

Đồng thời việc lập, điều chỉnh quy hoạch chung các đô thị, khu kinh tế ven biển phải đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch tỉnh, đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững, đô thị xanh, dự án - công trình xanh, ứng phó biến đổi khí hậu...

Không để lợi ích nhóm chi phối đến định hướng quy hoạch

Trả lời câu hỏi nếu tiếp tục thực hiện các dự án, công trình ven biển, tỉnh sẽ có cơ chế quản lý thế nào để đảm bảo môi trường và phát huy hiệu quả giá trị biển, đồng thời hài hòa lợi ích với người dân, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh cho rằng, cần thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, trong đó về hạ tầng các đô thị ven biển.

Cụ thể là phát triển các hành lang đô thị ven biển gắn với các hành lang giao thông ngày càng hoàn thiện đồng bộ, hiện đại của tuyến phía Tây và tuyến phía Đông của tỉnh. Bên cạnh đó là mở rộng không gian phát triển đô thị của thành phố Hạ Long, lấy vịnh Cửa Lục kết nối vịnh Hạ Long làm trung tâm kết nối phát triển đô thị Hạ Long theo mô hình đa cực.

"Xây dựng thành phố Móng Cái và thị trấn Quảng Hà gắn với xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và khu kinh tếdịch vụ - cảng biển Hải Hà có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, mạng lưới dịch vụ hoàn thiện; xây dựng và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, thông minh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực của phát triển", ông Tuấn nhấn mạnh.

GĐ Sở Xây dựng Quảng Ninh: Không để lợi ích nhóm chi phối quy hoạch biển

Dự án Trà Cổ Long Beach (Móng Cái, Quảng Ninh) có vị trí sát mặt biển (Ảnh: Ngọc Hiền).

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, các dự án, công trình ven biển trước hết được quản lý theo các lớp quy hoạch xây dựng và quy hoạch chuyên ngành khác một cách chuyên nghiệp, chất lượng. Qua đó, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhân dân vàdoanh nghiệp, không để lợi ích nhóm chi phối đến định hướng quy hoạch.

"Các khu vực giáp biển sẽ được định hướng quy hoạch bảo tồn tối đa hệ sinh thái hiện có như bãi triều, bãi cát, bãi đá, rừng ngập mặn, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, núi đá… đồng thời việc quy hoạch xây dựng mới các dự án, công trình sẽ ưu tiên các chức năng công cộng, dịch vụ, du lịch… với hệ thống giao thông, bãi đỗ xe, quảng trường, các tiện ích công cộng đảm bảo quyền tiếp cận biển của người dân để tạo ra không gian thoáng, mở, đặc trưng cho các đô thị và khu chức năng ven biển", ông Tuấn nhấn mạnh thêm.

Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng Quảng Ninh, trước mắt, việc giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển thực hiện Nghị định của Chính phủ.

Còn về lâu dài, sau khi Nghị định quy định hoạt động lấn biển và Thông tư hướng dẫn xác định đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm, đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm vùng ven biển Việt Nam và xác định đường ranh giới 03 và 06 hải lý vùng biển Việt Nam (trong đó có vùng biển Quảng Ninh) được ban hành thì việc triển khai thực hiện các dự án ven biển tỉnh Quảng Ninh sẽ được thực hiện theo quy định có liên quan nêu trên và có giám sát chặt chẽ trong công tác quản lý (về quy hoạch, đầu tư xây dựng…).

"Trên cơ sở đảm bảo môi trường, phát huy hiệu quả giá trị biển và vùng ven biển, đồng thời hài hòa lợi ích và nâng cao chất lượng môi trường sống người dân với phát triển kinh tế - xã hội chung tỉnh. Đồng thời các dự án, công trình ven biển đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững", ông nhấn mạnh.

Theo dantri.com.vn

GĐ Sở Xây dựng Quảng Ninh: Không để lợi ích nhóm chi phối quy hoạch biển - Bất Động Sản