Việt Nam có tiềm năng trở thành một thị trường điện gió ngoài khơi tăng trưởng thú vị.
Ngày 5/5/2022, tại Hà Nội, Equinor - Công ty năng lượng lớn nhất Na Uy chính thức khai trương văn phòng đại diện tại Hà Nội, đánh dấu một mốc quan trọng trong danh mục hợp tác kinh doanh Na Uy - Việt Nam.
Sự kiện một lần nữa khẳng định sự sẵn sàng và quyết tâm của Na Uy đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam, tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh cũng như hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết của mình trong Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu và tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (COP26).
Phát biểu khai mạc, bà Grete Lochen - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam khẳng định, năng lượng tái tạo và khí hậu là những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Na Uy. Vì vậy, Na Uy sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào ngoại giao khí hậu quốc tế và hướng tới việc tăng cường hơn nữa hợp tác toàn cầu trong quá trình này.
Ông Jens Olaf Økland - Phó Chủ tịch Cấp cao của Equinor, nhận xét Việt Nam là một trong những nền kinh tế và thị trường điện phát triển nhanh nhất thế giới. Với đường bờ biển dài và điều kiện gió thuận lợi, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có nguồn tài nguyên gió tốt nhất châu Á, và đang có kế hoạch phát triển mạnh mẽ thị trường điện gió ngoài khơi.
“Việt Nam rất có tiềm năng trở thành một thị trường điện gió ngoài khơi tăng trưởng thú vị. Cùng với các đối tác trong nước, tham vọng của Equinor là ứng dụng kinh nghiệm và năng lực dồi dào về năng lượng của mình để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, mở đường cho sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo”, ông Jens Olaf Økland tin tưởng.
Với PetroVietnam, theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc PetroVietnam,Equinor là đối tác chính và quan trọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đặc biệt là điện gió ngoài khơi.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc PetroVietnam
và ông Jens Olaf Økland - Phó Chủ tịch Cấp cao của Equinor trao quà lưu niệm.
Về mặt tài chính, Na Uy sẽ tiếp tục là nước đi đầu trong việc cấp tài chính khí hậu và các hỗ trợ khác cho các nước đang phát triển. Na Uy sẽ tăng gấp đôi nguồn tài chính khí hậu vào năm 2026, trong đó bao gồm một kế hoạch phân bổ 10 tỷ NOK (xấp xỉ 1 tỷ USD) trong 5 năm cho một quỹ khí hậu mới, do Norfund - Quỹ đầu tư của Na Uy dành cho các nước đang phát triển - quản lý.
Với việc thành lập văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam, Equinor mong muốn áp dụng các kinh nghiệm và năng lực của mình để cùng với đối tác trong nước của mình là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) thực hiện các mục tiêu như: Phát triển ngành công nghiệp điện gió của Việt Nam bằng việc thực hiện thành công các dự án điện gió ngoài khơi; Nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn trong nước; Xây dựng một chuỗi cung ứng mạnh mẽ trong nước của ngành điện gió ngoài khơi; Tạo thêm nhiều việc làm có kỹ năng trong nước; Sản xuất điện với chi phí thấp hơn; Dần dần bảo bảo mức giá năng lượng tái tạo phải chăng cho tất cả mọi người; và hỗ trợ Việt Nam thực hiện chương trình nghị sự chuyển đổi xanh cũng như thực hiện các cam kết quốc tế về khí hậu và môi trường.